HOT
Home / Tin tức / Cảng Tân Tập: Đánh thức vùng “đất chết”

Cảng Tân Tập: Đánh thức vùng “đất chết”

Khu Cảng Long An với mục tiêu xây dựng:

– Đáp ứng nhu cầu bốc xếp hàng hóa phục vụ xây dựng khai thác Trung tâm Thương mại và khu Đô thị Cần Giuộc-Long An, xuất nhập khẩu hàng hóa cho tỉnh Long An và đảm nhiệm bốc xếp hàng hóa cho nhóm Cảng biển số 5 với công suất theo dự báo đến năm 2015 là 9,300,000 T/năm.

– Xây dựng cảng Tân Tập phù hợp với Quy hoạch chung khu cảng Long An- Trung tâm Thương mại và đô thị huyện Cần Giuộc – tỉnh Long An đã được UBND tỉnh Long An phê duyệt.

– Xây dựng cảng Long An làm cảng trung tâm có khả năng tiếp nhận được các tàu biển đến 30.000 DWT, trong tương lai khi tuyến luồng tàu biển sông Soài Rạp  được cải tạo đến 50,000 DWT thì cảng Long An sẽ nâng cấp để tiếp nhận được tàu có trọng tải đến 50,000 DWT nhằm khai thác tốt nhất tiềm năng của một đầu mối giao lưu Hàng hải của khu vực Long An, Tiền Giang, một phần Tp.Hồ Chí Minh.

– Tạo tiền đề thúc đẩy nhanh quá trình phát triển KTXH cho tỉnh Long An nói riêng và Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung.

Lãnh đạo các sở, ngành tỉnh và huyện ủy, UBND huyện Cần Giuộc đến dự lễ lắp đặt cần cẩu trục đầu tiên tại cảng Long An

Từ hiện tại….

Nghị quyết của Đảng bộ nhiệm huyện Cần Giuộc nhiệm kỳ 2010 – 2015 tập trung vào 4 chương trình: Đầu tư kết cấu hạ tầng: điện, nước, giao thông để phục vụ cho phát triển KCN và cảng; An sinh xã hội gồm: giải phóng mặt bằng và tái định cư; Bảo vệ môi trường và bảo vệ tài nguyên; Đào tạo nguồn nhân lực để cung cấp đội ngũ có tay nghề cho các khu công nghiệp, cảng, nhất là đào tạo cán bộ quản lý cho huyện.

Xã Tân Tập thuộc huyện Cần Giuộc nằm ngay cửa sông Soài Rạp, đối diện với huyện Nhà Bè và huyện Cần Giờ của TP.HCM, chỉ cách cửa biển Đông khoảng 14km. Về mặt vị trí, Tân Tập được coi là “đắc địa” vậy nhưng bao năm qua vẫn bị xếp là xã vùng sâu vùng xa, xã nghèo của tỉnh Long An. Ông Năm Cuộc, 70 tuổi chỉ đám ruộng mọc đầy lau sậy móm mém nói: “Ruộng ở vùng này không những bị nhiễm mặn mà còn bị phèn nặng, phèn chua váng lên cả lớp nên muốn nuôi trồng gì thì phải tốn rất nhiều tiền đầu tư cải tạo nhưng hiệu quả cũng không cao. Bao đời nay người dân ở đây chỉ đắp đổi qua ngày bằng nghề đánh bắt, còn ruộng đa phần phải để hoang”. Anh Nguyễn Văn Nghiệp tiếp lời: “Ông già tui được cho mấy công đất nhưng không nhận vì biết nhận rồi cũng sẽ để hoang thôi. Trước đây một số người ở nơi khác có đến thuê đất để cải tạo nuôi tôm nhưng chỉ làm được 2 vụ là “bỏ của chạy lấy người” vì chi không đủ thu. Ở đây tuy là đất sét nhưng lại “bị rỗ” nên dẫn nước về bao nhiêu chảy hết xuống lỗ bấy nhiêu, không thể cải tạo được. Chúng tôi cũng có nuôi tôm nhưng theo kiểu quản canh nên hiệu quả không cao, mỗi vụ thu hoạch tối đa chỉ 700kg/ha/năm, Còn lúa thì chỉ trồng được 1 vụ vào mùa mưa nhưng năng suất rất thấp nên người dân cũng bỏ luôn”.

Đã thế, Tân Tập lại gần như bị cô lập vì chỉ có một con đường đất đỏ quanh năm sình lầy nối với trung tâm thị trấn Cần Giuộc. Vì thế, mặc dù nằm sát nách TP.HCM nhưng văn minh vẫn ở ngoài rìa Tân Tập. Điện không có, nước sinh hoạt cũng không, cuộc sống người dân thiếu thốn trăm bề. Còn nhớ có lần Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng về thăm, thấy một căn nhà cấp 4 khang trang khác hẳn với những căn chung quanh đã ghé lại trò chuyện với gia chủ. Phó Thủ tướng hỏi, “gia đình làm gì mà có tiền làm nhà?”. Sau một hồi lúng túng, ngập ngừng, gia chủ thật thà: “Dạ thưa, nhờ con đi làm ở thành phố chắt chiu gửi tiền về cho cha mẹ làm nhà đấy ạ”.

Bí thư Huyện ủy Cần Giuộc Nguyễn Văn Thiệp cho biết, ở Tân Tập những hộ có việc làm ổn định thu nhập cũng chỉ khoảng từ 8 – 12 triệu đồng/năm. Đã thế, đây còn là khu vực thường xuyên bị bão vì nằm ngay cửa sông cửa biển. Để phát triển vùng này, ngay từ Đại hội lần VI, Thường vụ Tỉnh ủy đã có Nghị quyết 18 và Huyện ủy cũng đã có chương trình hành động về phát triển kinh tế – xã hội vùng hạ, nhờ vậy bộ mặt vùng này đến nay cũng đã thay đổi nhiều. Tuy nhiên, ở đây nếu không làm công nghiệp, không làm cảng biển thì không thể có được sự thay đổi toàn diện và bền vững. Vì vậy, tỉnh và huyện đã định hướng, Cần Giuộc phải trở thành huyện công nghiệp. Với vị trí nằm ngay cửa sông cửa biển, lại giáp với TP.HCM và là huyện thuộc vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh nên Cần Giuộc có nhiều lợi thế để phát triển công nghiệp và các dịch vụ cảng biển. Đây sẽ là ngành mũi nhọn để đánh thức tiềm năng và “kéo” kinh tế vùng này phát triển.

…đến tương lai

Để Cần Giuộc nói chung và Tân Tập nói riêng phát huy được vị thế của mình, trong những năm qua, tỉnh Long An đã tập trung nhiều nguồn lực để đầu tư cải thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Hương lộ 19, QL50, hương lộ 12, lộ 835B đã và đang được đầu tư xây dựng mới hoặc nâng cấp, cải tạo, phá thế nằm ở điểm cụt và mở rộng, kết nối thuận lợi với các địa phương khác. Hệ thống thông tin liên lạc, mạng lưới điện trung, hạ thế cũng đã được kéo đến vùng sâu, vùng xa. Nhờ thế, Cần Giuộc đã thu hút được nhiều nhà đầu tư. Trên địa bàn huyện, hiện có 3 KCN đã đi vào hoạt động, đó là KCN Tân Kim, KCN Long Hậu và KCN Trường Bình. Diện tích đất đã thỏa thuận 5.300ha, diện tích đã có quyết định thu hồi 3.000ha, quyết định bồi thường 1.760ha, đã bồi thường 1.490ha. Riêng cụm cảng quốc tế Long An, giai đoạn 1 quy hoạch 1.900ha. Tại đây sẽ có khu cảng biển, KCN, khu đô thị và các dịch vụ khác. Khi cảng đi vào hoạt động sẽ thúc đẩy KCN và các dịch vụ hậu cảng phát triển. Dự án này nằm trong quy hoạch cụm cảng số 5 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Phần lớn diện tích dự án nằm tại xã Tân Tập.

Kể từ khi được quy hoạch, đã có vài nhà đầu tư nhận làm dự án cảng quốc tế Long An. Tuy nhiên, chỉ đến khi Đồng Tâm Group và VinaCapital xin được làm chủ đầu tư thì dự án này mới được khởi động. Mặc dù trong thời gian rất ngắn nhưng đến nay họ đã giải phóng được hơn 100ha và ngày 8/8 này chính thức khởi công dự án. Theo đánh giá của nhiều người, đây là các nhà đầu tư đích thực, có tiềm lực tài chính mạnh và có tâm huyết với vùng đất này.

Sau bao năm chờ đợi, khi biết chính xác ngày khởi công, người dân ở đây rất phấn khởi. Chị Hai Thành hồ hởi nói: “Tôi rất mong cảng sớm hoàn thành và đưa vào hoạt động. Dân vùng này bao đời nay cực khổ quá rồi, làm riết nhưng cũng không đủ ăn nói chi đến chuyện làm giàu. Hy vọng cảng hoàn thành chúng tôi nhờ cảng mà sẽ đổi nghề, đổi đời. Mấy tháng nay thấy làm đường, thấy san ủi mặt bằng chúng tôi chộn rộn lắm”.

Giống như người dân, càng đến gần ngày khởi công Bí thư Huyện ủy Nguyễn Văn Thiệp càng nôn nao. Ông tính: “Nếu cảng đi vào hoạt động thì giá trị sản xuất công nghiệp của huyện sẽ tăng 35%, GDP tăng khoảng 10 lần, thu nhập bình quân đầu người sẽ đạt từ 35 – 40 triệu đồng/người/năm, gấp 3 lần hiện nay. Cảng phát triển thì các dịch vụ ăn theo phát triển, bộ mặt Cần Giuộc nói chung và Tân Tập nói riêng sẽ thay đổi toàn diện”. Ông cho biết thêm, dự án cảng quốc tế Long An sẽ được đưa vào Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần VIII sắp tới. Do vậy, chủ đầu tư đã cam kết đến năm 2013 – 2014 dự án này sẽ được đưa vào sử dụng.

Được biết, chuẩn bị trở thành huyện công nghiệp vào năm 2020 và chuẩn bị nhân lực cung ứng cho hoạt động cảng biển, huyện Cần Giuộc đã đầu tư xây dựng trường đào tạo nghề để tạo điều kiện cho người dân địa phương chuyển đổi nghề nghiệp. 5.000 lao động địa phương đã được tuyển chọn vào làm trong KCN Long Hậu. Sau khi cụm cảng, KCN hoàn thành, hàng chục ngàn thanh niên địa phương sẽ có cơ hội vào làm tại đây. Cuộc sống của người dân sẽ được ổn định, không còn phải sống trong tâm trạng làm ăn mà như đánh bạc với thiên nhiên.

Riêng những người dân nhường đất cho cảng và các KCN sẽ được sống trong “khu đô thị tái định cư”. Ở đó không chỉ thuận lợi về giao thông mà còn có đầy đủ hạ tầng kỹ thuật điện, đường, trường, trạm. Đặc biệt người dân Tân Tập sẽ chấm dứt cảnh ăn đong nước sạch với giá cắt cổ. Cần Giuộc sẽ trở thành huyện Công nghiệp đô thị – dịch vụ, thương mại – nông nghiệp. Dự thảo báo cáo chính trị của BCH Đảng bộ huyện khóa IX, nhiệm kỳ 2010 – 2015 sẽ được tổ chức vào trung tuần tháng 8 này cũng đã đưa ra những giải pháp cụ thể. Theo đó, trong nhiệm kỳ này công nghiệp – xây dựng được xác định là khâu đột phá trong phát triển kinh tế – xã hội. Hàng loạt tuyến đường sẽ được nâng cấp hoặc xây dựng mới để kết nối tới cảng như tỉnh lộ 835B, tỉnh lộ 19, đường Tân Tập – Long Hậu – cảng Long An, đường Bến Lức – Tân Tập, đường dọc sông Soài Rạp kết nối đường vành đai 3, 4, QL50 kết nối vào các trục giao thông các huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Q.7 (TP.HCM), trục đường Long Hậu – Tân Kim, trục đường Long Hậu – Trường Bình và các cầu qua sông Cần Giuộc kết nối đường vào các KCN.

Mọi cánh cửa dẫn đến cảng quốc tế Long An đã sẵn sàng mở toang để biến nơi đây thành một vùng sầm uất.

Xem thêm: Cảng Tân Tập đón chuyến tàu đầu tiên vào năm 2016

Incoming search terms:

  • biển tân tập
  • https://datlongan net/cang-tan-tap-danh-thuc-vung-dat-chet/
Scroll To Top